Thứ Ba, 10 tháng 6, 2008

Bao nhiêu tuổi được gọi là teen?

Teen Hàn Quốc

Tham khảo bài viết sau đây của PGS Phạm Văn Tình, để hiểu rõ hơn nguộn ngành của tuổi teen chúng mình nhé.

Báo lao động:

Có lẽ khá nhiều người Việt ta nghĩ rằng, tuổi teen là tuổi liên quan tới con số mười (ten = 10). Vậy thì bất luận cô cậu nào có tuổi dính dáng đến mười (10, 11, 12,... 19) đều gọi là "dòng teen" được (Cũng giống như ai sinh vào những năm 80 thế kỷ trước thì được liệt vào "dân 8X").

Thực tế không hẳn thế. Trong tiếng Anh, có một tổ hợp được sử dung rộng rãi: teen-age dùng để chỉ các thanh thiếu niên có độ tuổi từ 13 đến 19. Lý do trước hết là các từ chỉ tuổi này đều có vĩ tố teen: thirteen (13), fourteen (14), fifteen (15), sixteen (16), seventeen (17), eighteen (18), nineteen (19) [lưu ý: 10 = ten, 11 = eleven, 12 = twelve].

Lý do thứ hai (mà là quan trọng nhất) là đây là từ chỉ lớp tuổi mới lớn (dậy thì), và đang lớn tới độ trưởng thành. Thanh thiếu niên độ tuổi này có sự thay đổi nhiều về thể chất, tâm sinh lý và dĩ nhiên, chịu ảnh hưởng rất lớn từ phía môi trường sống cũng như cách thức giáo dục.

Ở phương Tây (và cả ở ta nữa), teen-age được coi là thế hệ đặc biệt, có nhiều điều hay và cũng ẩn tàng nhiều sự lệch lạc, phá cách. Họ cũng thu hút sự quan tâm của gia đình và xã hội nhiều nhất.

Đối với con gái, teen-age là độ tuổi "cập kê" với rất nhiều hứa hẹn về ước mơ, hoài bão, sự nghiệp (và dĩ nhiên, cũng "cập kê" nhiều điều rắc rối, khó lường). Ở Mỹ, có tới hàng chuc website chuyên dành cho lứa tuổi này. Teen-age quả là lớp người non trẻ đáng yêu và... đáng sợ (có trẻ người xốc vác nhưng lại có trẻ người non dạ).

Tiếng Việt không có từ nào định danh (chuyên chỉ thanh thiếu niên độ 13-19 tuổi) như thế. Còn có một số từ khác lại có sắc thái riêng, hơi... mơ hồ về nghĩa. Tuổi học trò nhằm chỉ đối tượng học sinh phổ thông nói chung. Tuổi mực tím hàm chỉ học sinh tiểu hoc (đến PTCS, ngày xưa hay phải viết bằng bút sắt chấm mực tím). Tuổi hoa phượng, tuổi hồng... thì mang nghĩa văn chương, chỉ một thơ cắp sách mộng mơ và lãng mạn (tuổi đời mênh mông mà!).

Như vậy, tuổi teen là một cách chuyển di lối nói, xuất phát từ âm và nghĩa của một từ tiếng Anh. Nó có giá trị khu biệt khá rõ ràng, ngắn gọn và chính xác (Bởi nếu "chuyển ngang" từ tiếng Anh này sang tiếng Việt, nói cho đủ là tuổi mười ba đến mười chín (13-19) thì dài, tính định danh không cao, không thật hay, không tiện lợi cho giao tiếp). Tổ hợp tuổi teen là một "giải pháp tình thế" chấp nhận được.

Có khá nhiều nhiều từ ngoại lai đã được Việt hoá và "nhập tịch" vào kho từ vựng tiếng Việt rồi chứ (tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh đều có cả). Cờlê, lậplà, sơmi, cavát, vaxin, tivi, taxi, xe cuốc, tiền bo, nhà băng, con chíp, mini, copy, trận derby, trận play-off, lobby, stress... và rất nhiều từ mà ta chọn cách dùng nguyên dạng sẽ có những lợi thế nhất định trong giao tiếp (nhiều từ rất khó chuyển tương đương vì không đồng nhất nội hàm cơ bản).

Ngay cả khi có từ thuần Việt tương ứng thì trong ngữ cảnh nào đó, người nói vẫn có thể chọn biến thể thích hợp hơn. Trong xu hướng hoà nhập, đa phương hoá, thiết tưởng chúng ta cũng cần chấp nhận các "không gian giao tiếp" với những từ ngữ mới để làm phong phú thêm ngôn ngữ của chính ta.

Ngoài việc cộng đồng cần có sự định hướng uốn nắn sao cho phải, bản thân hệ thống ngôn ngữ cũng có cơ chế tự điều chỉnh (giống như chọn lọc tự nhiên trong sinh học). Vấn đề là từ ngữ mới đó cũng cần một thời gian hoà nhập và thích nghi.
Link: http://www.laodong.com.vn/Home/ldcuoituan/2008/4/86751.laodong (Chưa xin phép tác giả)

Không có nhận xét nào:

--------------------------------------------------------------------------------------------

Disclaimer: + Thông tin cung cấp bởi Alone
Bản quyền © 2008 Alone Vietnam. Giữ toàn quyền.
Người chủ quản: Tác giả Alone.

® Ghi rõ nguồn "alone-tinhyeu" khi bạn phát hành lại thông tin từ Wblog này. Alone sẽ không chịu trách nhiệm nội dung các trang ngoài.